Diễn biến cuộc chiến Chiến_tranh_Hy_Lạp-Ý

Chiến tranh Hy Lạp-Ý được chia làm 3 giai đoạn chính:

Cuộc tấn công ban đầu của Ý

Cuộc tấn công ban đầu của Ý

Cuộc chiến tranh Hy Lạp-Ý bùng nổ vào sáng ngày 28 tháng 10 khi các lực lượng vũ trang Ý mở màn cuộc tấn công từ lãnh thổ Albania. Ban đầu, họ tiến quân nhanh chóng và bước đầu đẩy lui các lực lượng Hy Lạp. Quân đoàn Ciamuria, với mũi nhọn xung kích gồm các sư đoàn Ferrara và Centauro, đã tiến về phía Kalpaki (Elaia), trong khi cánh phải là Cụm quân Duyên hải tiến dọc bờ biển và thiết lập được một đầu cầu bắc qua sông Kalamas. Tuy nhiên, người Ý đã sớm phải đối mặt với những khó khăn đầu tiên, đó là điều kiện thời tiết tồi tệ,[37] họ cũng không có đủ cầu phao để vượt qua những con suối ngập tràn nước mưa trên núi, lại thêm địa hình bất lợi: loại xe tăng L3/35 hạng nhẹ và M13/40 hạng vừa của họ không thể di chuyển trên địa hình đồi núi hay những con đường ngập bùn, và cả tình trạng thiếu nhân lực cũng góp phần đẩy quân Ý vào tình thế rất bất lợi trước người Hy Lạp.[37]

Ngày 31 tháng 10 Bộ tư lệnh Tối cao Ý đã thông báo "các đơn vị của chúng ta tiếp tục tiến vào Epirus và đã tiếp cận sông Kalamas tại nhiều điểm. Điều kiện thời tiết không thuận lợi và những hoạt động của đối phương đang rút lui không làm chậm bước tiến của quân đội chúng ta". Nhưng trong thực tế, cuộc tiến công của Ý đang diễn ra không thuyết phục và không có lợi thế bất ngờ (thậm chí hoạt động không quân cũng không hiệu quả do thời tiết xấu[34]), với sự lãnh đạo không kiên định và bị chia rẽ bởi những ganh đua cá nhân, và họ dần trở nên kiệt sức. Những điều kiện bất lợi trên biển đã khiến họ không thể tiến hành cuộc đổ bộ dự tính tại Corfu.[23] Đến ngày 1 tháng 11, người Ý đã chiếm được Konitsa và tiến đến phòng tuyến chính của Hy Lạp. Cùng ngày hôm đó, Bộ tư lệnh Ý quyết định giành ưu tiên cho chiến trường Albania so với chiến trường châu Phi.[38] Tuy nhiên, cho dù tấn công liên tục, người Ý vẫn không thể phá vỡ hệ thống phòng ngự của Hy Lạp trong trận Elaia–Kalamas, và cuộc tiến công đã bị chặn đứng vào ngày 9 tháng 11.

Có một nguy cơ lớn hơn đe dọa quân Hy Lạp là cuộc tiến quân của sư đoàn sơn chiến số 3 Julia qua dãy núi Pindus hướng về Metsovo, đe dọa chia cắt các lực lượng Hy Lạp tại Epirus với vùng Macedonia. Sư đoàn Julia đã thu được thành công ban đầu, đột phá qua được quân khu trung tâm của Đại tá Davakis. Bộ Tổng tham mưu Hy Lạp ngay lập tức ra lệnh tăng viện cho khu vực này, quân đoàn số 2. Một đòn phản công đầu tiên của Hy Lạp được tiến hành ngày 31 tháng 10, và không thu được nhiều thành công. Với 25 dặm đại hình đồi núi bị bao phủ trong mưa băng, sư đoàn Julia xoay xở chiếm được Vovousa, cách Metsovo 30 km về phía bắc vào ngày 2 tháng 11, nhưng rõ ràng là họ bị thiếu nhân lực và đồ tiếp tế để tiếp tục đối mặt với lực lượng dự bị Hy Lạp đang đến.[39]

Cuộc phản công sau đó của Hy Lạp đã giúp chiếm lại nhiều ngôi làng, trong đó có Vovousa, cho đến ngày 4 tháng 11, và thực tế gần như đã bao vây sư đoàn "Julia". Prasca đã cố gắng tăng viện cho họ bằng sư đoàn bộ binh số 47 Bari mới đến (ban đầu sư đoàn này được dự định tấn công Corfu), nhưng nó đã đến quá muộn để có thể thay đổi kết cục. Trong những ngày tiếp theo quân sơn chiến Ý đã chiến đấu dũng cảm trong điều kiện thời tiết tồi tệ và dưới áp lực tấn công liên tục của Sư đoàn Kỵ binh Hy Lạp do thiếu tướng Georgios Stanotas chỉ huy, nhưng cuối cùng ngày 8 tháng 11, tư lệnh sư đoàn Julia, tướng Mario Girotti vẫn buộc phải ra lệnh cho các đơn vị của mình bắt đầu rút lui qua dãy Smolikas để về Konitsa. Vừa rút lui vừa chiến đấu trong nhiều ngày, cho đến 13 tháng 11 vùng biên giới đã sạch bóng quân Ý còn sư đoàn Julia đã bị tiêu diệt hoàn toàn, kết thúc trận Pindus với chiến thắng tuyệt đối của người Hy Lạp.

Với việc quân Ý không có động tĩnh gì tại Tây Macedonia, Bộ tư lệnh Hy Lạp đã chuyển Quân đoàn 3 (gồm sư đoàn bộ binh số 10, số 11 và Lữ đoàn Kỵ binh, dưới quyền trung tướng Georgios Tsolakoglou) đến khu vực này ngày 31 tháng 10 và lệnh cho họ tấn công vào Albania cùng với lực lượng TSDM. Vì những lý do hậu cần, cuộc tấn công này đã liên tục bị hoãn cho đến ngày 14 tháng 11.

Sức kháng cự ngoài dự kiến của Hy Lạp đã làm Bộ Tư lệnh Ý phải ngạc nhiên. Nhiều sư đoàn đã được vội vã điều sang Albania, và những kế hoạch về các cuộc tấn công phụ vào các đảo của Hy Lạp bị dứt khoát từ bỏ. Tức giận trước tình hình không có tiến triển, Mussolini cải tổ lại bộ chỉ huy ở Albania, thay thế Prasca bằng tướng Ubaldo Soddu, Thứ trưởng Bộ chiến tranh cũ của mình vào ngày 9 tháng 11. Ngay sau khi đến nơi, Soddu đã ra lệnh cho lực lượng cuủa mình chuyển sang phòng thủ. Cuộc xâm chiếm của Ý đã thất bại rõ ràng. Ngày 4 tháng 12, tướng Soddu gửi cho Tổng Tư lệnh tối cao một thông điệp yêu cầu tăng cường lực lượng vũ trang, hoặc là ký kết một hiệp ước đình chiến với Hy Lạp. Mussolini đã trả lời:

Thay vì yêu cầu hiệp ước đình chiến với Hy Lạp, tốt hơn là hãy để lại tất cả cho người Albania và tự sát tại chỗ.[15]

Trong quân đội Ý tấn công Hy Lạp có vài trăm người Albania (dân tộc Cham, người Kosovo, v.v.) thuộc những tiểu đoàn áo đen trực thuộc quân đội Ý. Tuy nhiên hiệu quả chiến đấu của họ yếu kém một cách rõ rệt. Các nhà chỉ huy Ý, kể cả Mussolini, sau này đều đổ lỗi cho người Albania về thất bại của Ý.[13] Những tiểu đoàn Albania này, tên là Tomorri và Gramshi, được thành lập trong quân đội Ý ba tháng trước cuộc xâm lăng, và trong chiến đấu, phần lớn trong số họ đã đào ngũ theo quân đội Hy Lạp.[40]

Hy Lạp phản công và sự bế tắc

Chiến dịch phản công của Hy Lạp

Lực lượng dự bị của Hy Lạp bắt đầu tiếp cận mặt trận vào đầu tháng 11, khi mà sự án binh bất động của Bulgaria cho phép Bộ Tư lệnh Hy Lạp điều phần lớn những sư đoàn của mình từ biên giới Hy Lạp-Bulgaria đi huy động cho mặt trận Albania. Điều đó cho phép Tổng tư lệnh Hy Lạp, trung tướng Alexandros Papagos, thiết lập được ưu thế về số lượng vào giữa tháng 11, trước khi tiến hành phản công. Walker[41] chỉ ra rằng người Hy Lạp có lợi thế rõ rệt với 250.000 quân chống lại 150.000 quân Ý vào thời điểm họ tổ chức phản công, và chỉ có 6 sư đoàn Ý, quân sơn chiến, là được huấn luyện và trang bị phù hợp với các điều kiện miền núi. Bauer[39] cho rằng đến ngày 12 tháng 11 tướng Papagos có tại mặt trận hơn 100 tiểu đoàn bộ binh chiến đấu trên địa hình quen thuộc của họ, so với ít hơn 50 tiểu đoàn của Ý.

Pháo binh Hy Lạp đang bắn phá các cao điểm Ivan ở gần Korce.

Lực lượng TSDM và quân đoàn 3, liên tục được tăng viện với các đơn vị đến từ toàn miền bắc Hy Lạp, đã phát động tấn công vào ngày 14 tháng 11, theo hướng Korçë. Sau những giao tranh ác liệt trên tuyến biên giới, người Hy Lạp đã đột phá thành công trong ngày 17, và tiến vào Korçë ngày 22. Tuy nhiên, nhờ sự do dự của Bộ tư lệnh Hy Lạp, quân Ý đã phá vòng vây và tái tập hợp, tránh được sự sụp đổ toàn cục.

Cuộc tấn công từ phía Tây Macedonia được phối hợp với chiến dịch tấn công chung dọc theo toàn bộ mặt trận.[42] Các quân đoàn 1 và 2 tiến đến Epirus, và sau một trận kịch chiếm đã chiếm được Sarandë, PogradecGjirokastër cho đến đầu tháng 12, và Himarë vào ngày 22 tháng 12, gần như chiếm cứ hoàn toàn khu vực ở miền nam Albania mà người Hy Lạp vẫn gọi là "Bắc Epirus". Những thắng lợi sau cùng của Hy Lạp là việc quân đoàn 2 chiếm đóng đèo Klisura được xây dựng rất kiên cố và có ý nghĩa quan trọng về chiến lược ngày 10 tháng 1 năm 1941, và chiếm được núi Trebeshinë đầu tháng 2 sau đó. Tuy nhiên quân Hy Lạp đã không thành công trong việc đột phá về phía Berat, và cuộc tấn công của họ về Vlorë cũng thất bại. Trong cuộc chiến tại Vlorë, quân Ý đã chịu tổn thất nặng nề của các sư đoàn số 7 Lupi di Toscana, số 3 Julia, số 24 Pinerolo và số 5 Pusteria, nhưng đến cuối tháng 1, nhờ phối hợp mà cuối cùng người Ý cũng đạt được ưu thế về số lượng và với tình hình hậu cần tồi tệ, cuộc tiến quân của Hy Lạp cuối cùng đã phải ngừng lại.

Vào giữa tháng 12, tướng Soddu đã bị thay thế bằng tướng Ugo Cavallero. Ngày 4 tháng 3, người Anh đã gửi đoàn tàu chở quân đội và đồ tiếp tế đầu tiên tới Hy Lạp, theo lệnh của trung tướng Henry Maitland Wilson. Lực lượng của họ gồm 4 sư đoàn (57.000 quân), 2 trong số đó là quân thiết giáp.[43] Họ đã không tới được mặt trận đúng lúc để chiến đấu.

Đoạn văn sau đây tóm lược một cách chính xác về cả cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc xuất sắc của người Hy Lạp cũng như thất bại do sự chuẩn bị yếu kém của người Ý, và cả tinh thần dũng cảm của binh lính Ý:

Không ai có thể phủ nhận vòng nguyệt quế chiến thắng của binh lính Hy Lạp. Nhưng với những điều kiện như vậy họ chỉ có thể nói rằng binh lính Ý đã có được vòng hoa liệt sĩ một nghìn lần hơn.
— [44]

Chiến dịch Tấn công Mùa xuân của Ý và can thiệp của Đức

Cuộc tấn công thứ hai của ÝTuyến phòng thủ chống tăng của Hy Lạp tại đèo Klisura trong cuộc tấn công của Đức.

Tình hình tiếp tục bế tắc, cho dù những hoạt động cục bộ vẫn tiếp diễn, nhưng cả hai bên đều không có lực lượng đủ mạnh để mở một cuộc tấn công quy mô lớn. Dù đạt được một số thành quả, người Hy Lạp hiện đang ở vào tình thế bấp bênh do họ gần như đã rút toàn bộ vũ khí và quân đội ở biên giới phía bắc để huy động cho mặt trận Albania, và giờ đã quá suy yếu để có thể đối phó với khả năng một cuộc tấn công của Đức qua lãnh thổ Bulgaria.

Mặt khác, người Ý vì muốn thu được một thắng lợi tại mặt trận Albania trước cuộc can thiệp sắp xảy ra của Đức, nên đã tập hợp lực lượng để chuẩn bị một chiến dịch tấn công mới, mật danh là "Primavera" ("Mùa xuân"). Họ đã tập trung 17 sư đoàn (so với 13 của Hy Lạp), do đích thân Mussolini giám sát, mở cuộc tấn công kịch liệt tại đèo Klisura. Cuộc công kích kéo dài từ ngày 9 đến 20 tháng 3, nhưng vẫn không đánh lui được quân Hy Lạp và chỉ thu được thắng lợi nhỏ tại Himarë, khu vực Mali Harza và núi Trebescini ở gần Berat.[9] Từ thời điểm này cho đến cuộc tấn công của Đức ngày 6 tháng 4, tình trạng bế tắc lại tiếp diễn, khi hoạt động của cả hai bên đều giảm xuống.

Thấy trước cuộc tấn công của Đức sắp xảy ra, nước Anh và một số người Hy Lạp đã thúc giục rút tập đoàn quân Epirus để dành những đội quân và trang bị vô cùng cần thiết cho việc chặn đứng quân Đức. Thế nhưng, cảm tính dân tộc đã không cho phép từ bỏ những vị trí hiểm yếu như vậy, bỏ qua một bên những lôgíc quân sự, và việc rút lui trước mặt quân Ý đã chiến bại bị coi là đáng hổ thẹn. Thế là phần lớn quân đội Hy Lạp (15 sư đoàn) vẫn ở sâu trong đất Albania, trong khi cuộc tấn công của Đức đã gần kề. Tướng Wilson đã chế giễu sự miễn cưỡng này là "học thuyết sùng bái không chịu nhường một thước đất nào cho người Ý". Chỉ còn lại 6 trong số 21 sư đoàn Hy Lạp được để lại đối phó với quân Đức.[45]

Một đơn vị lục quân Hy Lạp trong Chiến dịch Tấn công Mùa xuân của Ý.

Từ ngày 6 tháng 4 quân đội Ý bắt đầu tấn công trở lại tại Albania để phối hợp với chiến dịch Marita của Đức. Những cuộc tấn công đầu tiên không có mấy tiến triển, nhưng vào ngày 12 tháng 4, Bộ tư lệnh Hy Lạp, hoảng hốt trước tốc độ tiến quân nhanh chóng của Đức, đã ra lệnh cho quân đội rút lui khỏi Albania. Tập đoàn quân số 9 Ý chiếm Korçë ngày 14 tháng 4, tiếp đến là Ersekë ba ngày sau đó. Ngày 19 tháng 4 quân Ý chiếm phần bờ hồ Prespa của Hy Lạp và đến 22 tháng 4 trung đoàn bắn tỉa số 4 đã tới cây cầu tại ngôi làng biên giới Perati, và vượt qua cầu sang lãnh thổ Hy Lạp trong ngày hôm sau.

Cùng thời gian này, tập đoàn quân Epirus của Hy Lạp đã bị cô lập trong ngày 18 tháng 4, khi các đơn vị thuộc lữ đoàn cơ giới Leibstandarte SS Adolf Hitler chiếm được đèo Metsovo sau khi đè bẹp sức kháng cự của Hy Lạp tại địa phương. Ngày hôm sau, Ioannina rơi vào tay quân Đức, hoàn toàn cô lập quân đội Hy Lạp. Nhận thấy tình thế vô vọng của mình, trung tướng Georgios Tsolakoglou, với sự đồng tình của nhiều tướng lĩnh khác (nhưng trong đó không có tướng Papagos), đã thay thế chức chỉ huy của trung tướng Pitsikas và xin hàng viên chỉ huy Đức Sepp Dietrich ngày 20 tháng 4, nhằm tránh bị mất danh dự khi phải đầu hàng quân Ý.[46] Các điều kiện đầu hàng được cho là danh dự, vì quân đội Hy Lạp không bị bắt làm tù binh, và các sĩ quan được phép giữ lại những vũ khí cá nhân của mình. Thế nhưng, Mussolini đã nổi giận trước việc đầu hàng đơn phương này, và nhiều lần kháng nghị với Hitler, kết quả là nghi thức đầu hàng lại được tổ chức lại vào ngày 23 tháng 4 có đại diện Ý tham gia.

Ngày 24 tháng 4 quân Ý gia nhập vào các lực lượng Đức đang tấn công khu vực Attica gần Athens, trong khi quân Anh bại trận đã bắt đầu sơ tán và quân Bulgaria đã tràn vào chiếm vùng lãnh thổ phía bắc Hy Lạp ở gần Xanthi. Ngày 3 tháng 5, sau khi chiếm được mục tiêu cuối cùng là đảo Crete, Đức và Ý đã mở một cuộc diễu hành lớn tại Athens để biểu dương chiến thắng của phe Trục. Sau thắng lợi tại Hy Lạp (và Nam Tư), Mussolini liền bắt đầu đề cập và khoe khoang về biển riêng của người Ý trong những bài tuyên truyền của mình.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Hy_Lạp-Ý http://www.comandosupremo.com/Greece1940.html http://www.comandosupremo.com/ItalianArmy3.html http://books.google.com/books?id=FNjxX7uZYQEC http://books.google.com/books?id=P-MiG9ngCp8C http://books.google.com/books?id=QOlmAAAAMAAJ&q= http://www.inilossum.com/2gue_HTML/2guerra1940-12A... http://metaxas-project.com/features/winterwar/ http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://pheidias.antibaro.gr/1940.htm http://books.google.gr/books?id=B0YC55a-GTEC